Cùng với các danh thắng, di tích khác trong tỉnh Lào Cai, đền Bảo Hà từ lâu đã là điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo khách hành hương. Điều đáng nói, trong những năm gần đây ngôi đền này đã từng bước có những sự thay đổi tích cực, ngày càng đẹp hơn trong mắt du khách.
Đền Bảo Hà, hay còn gọi là đền Hoàng Bảy thuộc xã Bảo Hà, hyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia cổ kính, nằm dưới chân đồi Cấm, ngay cạnh dòng sông Hồng cuộn đỏ. Nhìn từ xa, đền Bảo Hà rất uy nghi, tĩnh mặc. Phong cảnh trên bến, dưới thuyền, núi rừng bao bọc xanh ngắt. Đền được xây dựng gồm: Cổng tam quan, sân đền, nhà khách, phủ chúa Sơn Trang, tòa đại bái, cung cấm, cung nhị, cung công đồng với diện tích, bài trí các pho tượng khác nhau, kiến trúc đơn giản không cầu kỳ.
Trong dịp đầu xuân năm 2019, hoà cùng dòng người tấp nập về đền ông Hoàng Bảy Lào Cai chiêm bái, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ nét trong cảnh quan, không gian nơi đây. Nếu như trước kia, tới đền Bảo Hà phải đi qua đoạn đường dẫn vào đền với không gian chật hẹp, hàng quán lộn xộn, tình trạng tắc đường xảy ra thường xuyên,… thì từ vài năm gần đây, khu di tích lịch sử – văn hoá đền Bảo Hà đã đón chào khách hành hương với diện mạo hoàn toàn mới.
Những hình ảnh thiếu thiện cảm như ăn xin, bói toán, hàng quán lộn xộn, tắc đường đã ít còn tái diễn như trước. Trên đoạn đường mới trải nhựa rộng rãi, sạch sẽ dẫn vào đền, hai bên đường đã được thông thoáng, xe của du khách tới đền được lưu thông rất thuận lợi, không còn tình trạng ùn tắc, không còn cảnh hàng quán xô bồ, chèo kéo khách như trước. Khuôn viên, cảnh quan gần khu vực đền cũng được mở rộng, trùng tu, tôn tạo.
Sở dĩ có sự khác biệt đó là nhờ di tích đền Bảo Hà đã được huyện Bảo Yên quy hoạch thành quần thể di tích với quy mô 32 ha, tổng mức đầu tư hơn 90 tỷ đồng gồm nhiều hạng mục công trình, như bãi đỗ xe, các tuyến đường nội khu di tích; sân lễ hội lát đá xẻ, sân hành lễ rộng rãi lát đá xẻ, hai bên xây dựng kè bảo vệ đền cùng hệ thống nhà sắp lễ, nhà đón tiếp, khu nhà làm việc của Ban quản lý đền được bố trí xây dựng thuận tiện, đẹp đẽ hơn.
Trong năm, việc trang trí panô, chăng đèn kết hoa,… tại đền được thực hiện khá cẩn thận, để lại ấn tượng đẹp về di tích đối với du khách. Theo thói quen người đi trẩy hội thường bẻ cành hái lộc cầu may, cắm hương, rắc gạo, muối vào các gốc cây,… để hạn chế tình trạng này Ban quản lý đền thường xuyên tuyên truyền các nội quy của đền, cắm biển cấm tại nơi có cây xanh, đồng thời bố trí nhân viên bảo vệ thường trực nhắc nhở.
Đặc biệt hơn cả, trong hầu hết các mùa lễ hội, cũng như các thời gian trong năm, Ban quản lý di tích đền Bảo Hà đặt ra mục tiêu 5 không: Không có người ăn xin, ăn mày; không ùn tắc giao thông; không chèo kéo khách tour du xuân 2019 và xảy ra tình trạng giá cả dịch vụ mang tính “chặt chém”; không có những hành vi phản cảm trong lễ hội; không để mất vệ sinh môi trường ở khu vực lễ hội…
Ông Hoàng Đức Ngọt (Trưởng ban quản lý di tích đền Bảo Hà) cho biết, trên cơ sở truyền thống lịch sử, hàng năm đền Bảo Hà dự kiến đón khoảng 30 vạn du khách hành hương về đền. Trong mỗi dịp lễ hội hàng năm, phần Lễ và phần Hội được tổ chức đúng nghi lễ nhưng vẫn đảm bảo tiết kiệm. Các trò chơi khơi dậy được nét đẹp văn hóa truyền thống, công tác tiếp đón khách, quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ, vệ sinh môi trường và đảm bảo an ninh trật tự đều được thực hiện tuần tự theo kế hoạch, bảo đảm an toàn về con người và tài sản cho nhân dân, du khách về địa phương hành hương, vãn cảnh.
Có thể thấy, với cách làm đổi mới đó, khu di tích lịch sử – văn hoá đền Bảo Hà đang ngày càng phát huy mạnh mẽ hơn những giá trị lịch sử, văn hoá vốn có. Đến với đền Bảo Hà, du khách không chỉ tìm hiểu lịch sử truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, mà còn là dịp để chìm đắm trong không gian văn hoá linh thiêng, góp phần phát huy những nét đẹp giàu bản sắc văn hoá dân tộc lâu đời, mở hướng đi phát triển bền vững du lịch tâm linh trên địa bàn vùng Tây Bắc.