Chuẩn bị tráp lễ ăn hỏi là một trong những công đoạn quan trọng trong lễ hỏi cưới. Tuy nhiên hầu hết từ trước đến nay, thủ tục này sẽ do bố mẹ hoặc người thân bên nhà trai chuẩn bị bởi các bạn trẻ thông thường không rõ về thủ tục. Vậy cùng khám phá và tìm hiểu để bạn có thể tự mình chuẩn bị hoặc chuẩn bị giúp những người xung quanh nhé!
Các lễ vật thường được sử dụng
Theo nghi lễ cưới hỏi truyền thống, lễ vật là quà của nhà trai mang sang nhà gái để xin dâu. Tùy vào điều kiện và khả năng của gia đình mà lễ vật thường được xếp thành 5 hoặc 7 tráp, và được bưng bởi các chàng trai, cô gái chưa kết hôn. Các tráp này là tráp màu đỏ, được trang trí bằng các họa tiết vàng và được trùm bên trên một chiếc khăn thêu.
Tráp lễ vật vừa thể hiện thành ý của nhà trai, lại vừa thể hiện tấm lòng trân trọng nên thường được bày sao cho vừa hợp lý và vừa đẹp mắt.
Các lễ vật thường được bày trong tráp là trầu cau, rượu, hạt sen, chè, thuốc lá, bánh phu thê, bánh cốm, bánh đậu xanh, mâm ngũ quả, thủ lợn, lợn sữa quay, lẵng hoa kết rồng phụng,…
Nghe thì có vẻ rất nhiều và dễ gây “choáng ngợp”, tuy nhiên, phần lớn không có đám cưới nào chuẩn bị toàn bộ số lễ vật trên mà chỉ chọn lọc những lễ vật quan trọng nhất mà thôi.
Đối với lễ 3 tráp, bạn có thể ưu tiên chọn trầu cau, bánh phu thê và lợn sữa quay. Bên cạnh đó cũng có thể thêm rượu, chè, thuốc lá chung vào tráp trầu cau.
Đối với lễ 5 tráp, bạn có thể đặt trầu cau, rượu, hạt sen, bánh phu thê, lợn sữa quay. Với lễ 7 tráp thông thường sẽ đặt trầu cau, rượu, bia, bánh phu thê, bánh cốm, mâm quả, lợn sữa quay. Tương tự lễ 9 tráp có thể bổ sung thủ lớn và lẵng quả kết rồng phụng.
Tuy không phổ biến nhưng cũng có những đám hỏi với số lượng lên tới 11 tráp. Số lượng phổ biến nhất thường được chuẩn bị là 5 hoặc 7 tráp.
>>>> bê tráp là gì
Ý nghĩa của các lễ vật
Mỗi lễ vật được lựa chọn vào đám hỏi lại mang một tầng lớp ý nghĩa riêng, không giống nhau. Bởi vậy, tham khảo qua ý nghĩa này có lẽ sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc lựa chọn lễ cho đám hỏi.
Trầu cau
Trầu cau được sử dụng làm lễ vật trong đám hỏi bắt nguồn từ ý nghĩa của câu chuyện sự tích trầu cau trong cổ tích. Trong câu chuyện này, trầu và cau tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng thủy chung son sắc, gắn bó đến bạc đầu dù có phải đối mặt với những khó khăn, thử thách như thế nào.
Rượu, chè, thuốc lá
Rượu, bia, thuốc lá là các món tượng trưng cho người đàn ông. Sở dĩ lễ vật này được sử dụng là bởi ý nghĩa con rể mang những món quà quý nhất cho bố vợ để tạ ơn đã gả con gái cho mình.
Ngày nay, rượu bia và thuốc lá không còn ý nghĩa sâu sắc như vậy, mà trên thực tế cũng càng ít người sử dụng bởi chúng không mang đến lợi ích cho sức khỏe, bởi vậy dù nhiều gia đình vẫn sử dụng vì ý nghĩa của chúng, nhưng nhiều gia đình cũng bỏ qua các lễ vật này.
Hạt sen và chè
Hạt sen và chè (hay còn gọi là trà) là những lễ vật biểu trưng cho sự thanh khiết, nhẹ nhàng và tinh tế. Những vật phẩm này xuất hiện trong đám hỏi của những nhà quyền quý thời xưa, thể hiện một lễ vật lớn và cao sang. Cho đến nay, hạt sen, hoặc mứt sen và chè vẫn luôn giữ được ý nghĩa đó và được sử dụng phổ biến.
Bánh phu thê, bánh cốm, bánh đậu xanh
Các loại bánh này luôn là đặc sản và không thể thiếu trong các dịp lễ tết của người miền Bắc. Cũng chính bởi vậy, khi trao đi những chiếc bánh cũng chính là khi nhà trai trao đến nhà gái sự ngọt ngào, chân thành và gắn bó.
Sau đám cưới, nhà gái thường mang chia lễ cho những người thân, hàng xóm để chia vui.
Thủ lợn và lợn sữa quay
Ngày trước, lợn được coi là vật nuôi quan trọng vì thịt lợn rất đắt và tượng trưng cho sự ấm no, đủ đầy của gia đình. Bởi vậy, thường con lợn là lễ vật quan trọng bậc nhất trong các tráp lễ của ngày ăn hỏi.
Mâm quả và lẵng hoa không mang nhiều ý nghĩa, nhưng chúng giúp cho mâm lễ nhìn sang trọng và đủ đầy hơn rất nhiều bởi theo quan niệm xưa, cô dâu được đón bằng càng nhiều tráp lễ to và nhiều có nghĩa là càng được nhà trai coi trọng và yêu thương.
Xem thêm các bài viết về cưới hỏi khác tại : https://mimosawedding.net/