Hiện nay, việc sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị ngày càng trở nên phổ biến, vậy nên nhà nước đã đặt ra nhiều quy định pháp luật chặt chẽ để kiểm soát hoạt động của các cơ sở kinh doanh mặt hàng này. Mời bạn cùng Siglaw tìm hiểu điều kiện & hồ sơ thủ tục để thành lập công ty kinh doanh thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị trong bài viết dưới đây:
Điều kiện kinh doanh thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị
Điều kiện về an ninh, trật tự
- Thứ nhất, doanh nghiệp phải được thành lập, đăng ký hoặc cấp phép theo quy định pháp luật;
- Thứ hai, người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở phải không thuộc một trong các trường hợp liệt kê tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 96/2016/NĐ-CP;
- Thứ ba, cơ sở phải tuân thủ đầy đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, chỉ các cơ sở sau đây mới được kinh doanh thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị:
- Cơ sở kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng đã được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng cấp Giấy chứng nhận đảm bảo về an ninh, trật tự;
- Cơ sở kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an đã được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an cấp Giấy chứng nhận đảm bảo về an ninh, trật tự;
- Cơ sở không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng mà được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an cấp Giấy chứng nhận đảm bảo về an ninh, trật tự.
Thủ tục thành lập công ty kinh doanh thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị
Bước 1: Hồ sơ cần chuẩn bị để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp kinh doanh thiết bị phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị (Biểu mẫu kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);
- Bản sao các giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, thành viên tham gia góp vốn, cổ đông doanh nghiệp kinh doanh thiết bị phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị;
- Dự thảo điều lệ (trong trường hợp thành lập công ty hợp danh, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần);
- Danh sách thành viên (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên) hoặc danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần);
- Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu người nộp không phải người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp);
Bước 2: Nộp hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Sau 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp sẽ được nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp đến Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư thì doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cần thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Thời hạn thực hiện công bố là 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 4: Khắc con dấu công ty
Doanh nghiệp tự khắc con dấu và có quyền quyết định về hình thức, nội dung, số lượng con dấu. Doanh nghiệp cũng tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng con dấu và không phải công bố mẫu dấu trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia như trước đây.
Bước 5: Đăng ký các giấy phép con cho ngành nghề kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị
Xin cấp giấy phép con chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để kinh doanh thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (Mẫu số 02 kèm theo Nghị định số 66/2017/NĐ-CP);
- Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập tổ chức hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư (đầu tư fdi);
- Thuyết minh hệ thống thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị;
- Phương án kinh doanh (Phương án kỹ thuật; phạm vi, đối tượng cung cấp, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm);
- Phiếu lý lịch tư pháp của người đại diện theo pháp luật, người quản lý, nhân viên kỹ thuật;
Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính đến cơ quan cơ quan Công an có thẩm quyền.
Thời hạn giải quyết: trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Những việc cần làm sau khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh, chủ cơ sở phải có văn bản thông báo kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự gửi cho Công an cấp xã, phường, thị trấn nơi đặt cơ sở kinh doanh.
Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động, cơ sở kinh doanh có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Công an có thẩm quyền các tài liệu sau đây:
- Danh sách những người làm việc trong cơ sở;
- Bản khai lý lịch; Bản khai nhân sự của người chịu trách nhiệm về an ninh; trật tự của cơ sở kinh doanh; trừ người đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (Biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP);
- Thống kê phương tiện phục vụ cho công tác bảo vệ (nếu có).