Nhà đầu tư nước ngoài có mong muốn mở bệnh viện tại Việt Nam thì cần tuân thủ các điều kiện pháp luật để có thể hoạt động kinh doanh thuận lợi. Vậy bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài là gì? Các điều kiện và 1 số lưu ý khi hoạt động bệnh viện có vốn nước ngoài ở Việt Nam… Tất cả sẽ được Siglaw chia sẻ ngay trong bài viết này mời các bạn theo dõi:
Bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài là gì?
Bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài là loại hình kinh doanh bệnh viện có sử dụng nguồn vốn nước ngoài, đáp ứng được các yêu cầu về vốn và các điều kiện đầu tư khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của WTO, nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh bệnh viện, với tổng số vốn đầu tư có thể được sở hữu lên đến 100%, hoặc liên doanh với bệnh viện có nguồn vốn Việt Nam, hoặc hợp tác hoạt động kinh doanh thông qua hợp đồng hợp tác với bệnh viện tại Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này cần đáp ứng được các điều kiện về vốn. Đối với loại hình là bệnh viện thì mức vốn tối thiểu cần đáp ứng là 20 triệu USD Mỹ, phòng khám đa khoa là 2 triệu USD Mỹ, phòng khám chuyên khoa là 200.000 USD Mỹ.
Các điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động bệnh viện có vốn nước ngoài
Nhà đầu tư nước ngoài khi muốn kinh doanh dịch vụ hoạt động bệnh viện tại Việt Nam, cần nghiên cứu, hiểu biết các quy định pháp luật liên quan đến ngành nghề kinh doanh này. Đây là một ngành đặc thù, đòi hỏi ngoài vốn, nhà đầu tư cần đáp ứng được các điều kiện đầu tư khác trước khi được cấp giấy phép hoạt động bệnh viện tại Việt Nam.
Nhà đầu tư cần thực hiện các quy trình sau: Xin cấp giấy chứng nhận đầu tư; Xin cấp giấy hoạt động đối với bệnh viện và thành lập doanh nghiệp theo quy định pháp luật.
Nhà đầu tư phải đặc biệt lưu ý về các điều kiện về cơ sở vật chất, tương ứng đối với mỗi mô hình đầu tư. Đối với bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cần lưu ý đáp ứng ít nhất 30 giường bệnh, đảm bảo diện tích sàn xây dựng ít nhất là 50m2/ giường bệnh trở lên, chiều rộng khu vực mặt tiền bệnh viện đạt khoảng cách ít nhất là 10m, hệ thống cần có máy phát điện dự phòng và đảm bảo đầy đủ các điều kiện xử lý chất thải y tế theo quy định pháp luật Việt Nam.
Ngoài các yêu cầu về cơ sở vật chất như trên, bệnh viện cần đáp ứng được các điều kiện về nhân sự, đội ngũ chuyên gia, chuyên môn, và phân bổ tổ chức các khoa khám bệnh và điều trị, khu vực xét nghiệm, cấp cứu, tiểu phẫu hay nơi đón tiếp người bệnh đầy đủ và chu đáo.
Bệnh viện có vốn nước ngoài có được mở cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện không?
Quy định pháp luật tại Thông tư 15/2011/TT-BYT, bệnh viện có vốn nước ngoài sẽ không được phép trực tiếp mở cơ sở bán lẻ thuốc, cũng không được liên doanh, liên kết với các cơ sở bán thuốc lẻ bên ngoài khác để thực hiện hoạt động bán thuốc. Như vậy, bệnh viện có vốn nước ngoài chỉ có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh thuốc hoặc cơ sở bán lẻ thuốc được phép bán tại khu vực bệnh viện của mình đang hoạt động.
Bệnh viện có vốn nước ngoài cần lưu ý những vấn đề gì để đảm bảo hoạt động tại Việt Nam?
Những quyền lợi về ưu đãi đầu tư
Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào lĩnh vực bệnh viện, cần tìm hiểu và lưu ý đối với những ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực này của chính phủ Việt Nam. Nhà nước cho phép đối với một số dự án là bệnh viện nếu hoạt động tại những địa bàn khó khăn, sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15 năm đầu, được miễn thuế tối đa 4 năm và thậm chí, được giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm sau đó. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể được hưởng miễn thuế sử dụng đối với đất phi nông nghiệp khi thực hiện dự án bệnh viện tại địa bàn này.
Lưu ý khi sử dụng lao động
Đối với bệnh viện có vốn nước ngoài, thường sẽ sử dụng các lao động nước ngoài bao gồm các chuyên gia, bác sĩ, hay các nhà quản lý nước ngoài làm việc tại Viêt Nam. Nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý đối với vị trí của các lao động, yêu cầu và điều kiện đối với vị trí bác sĩ, hay chuyên gia cần tuân thủ và đáp ứng theo yêu cầu của pháp luật lao động để đảm bảo việc sử dụng người lao động đúng vị trí, mục đích công việc. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến các hợp đồng lao động, thời hạn của hợp đồng, các quy định về bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cá nhân… trong hợp đồng lao động.
Xin giấy phép lao động và thẻ tạm trú cho người lao động nước ngoài làm việc tại bệnh viện
Đây là một trong những điều kiện quan trọng cho phép người lao động được phép làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Nhà đầu tư cần bảo lãnh cho người lao động dưới tư cách của bệnh viện, xin cấp phép giấy phép lao động làm việc đúng vị trí và thẻ tạm trú để được phép cư trú làm việc tại Việt Nam hợp pháp. Hiện nay, thời hạn của giấy phép lao động thông thường không quá 02 năm và thời hạn của thẻ tạm trú được cấp theo thời hạn của giấy phép lao động. Thời gian này có thể thay đổi tùy theo từng trường hợp cụ thể mà cơ quan quản lý lao động sẽ có những hạn mức cấp cho từng trường hợp là khác nhau.
Các loại thuế mà bệnh viện có vốn nước ngoài cần lưu ý
Lệ phí môn bài hàng năm, thuế VAT cho các dịch vụ của bệnh viện, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân của người lao động là nhân viên công ty, thuế sử dụng đất ( nếu có)… và các loại thuế phí phát sinh khác có liên quan.
Xem thêm: Dịch vụ Thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của công ty luật siglaw.